Được đi học là quyền lợi của tất cả mọi người, là mong ước của rất nhiều người nhưng cũng đồng thời là nỗi ám ảnh với không ít bạn.
<strong> 1. "Trường học là chiến trường. Bút sách là vũ khí"</strong>
Bất kì ai đến trường cũng đều ít nhiều phải chịu những áp lực về chuyện ganh đua điểm số - đó là điều hiển nhiên. Và mỗi mùa thi tới luôn là khoảng thời gian tất cả các cơ quan thần kinh não bộ của tụi học trò sẽ được kéo căng ra hết mức có thể mà tưởng chừng như chỉ cần một cú chạm nhẹ là có thể "đứt" bất cứ lúc nào.
Ôi thôi nào đủ cả, nếu như Toán - Lí - Hóa là làm bài tập với con số cỡ vài trăm cho cả ba môn thì những môn học bài như Sinh - Sử - Địa mới thực sự là thảm họa.
Bạn sẽ được phát đề cương để học, nhưng vấn đề ở chỗ độ dày của xấp đề cương đó lúc nào cũng "tròm trèm" ngang ngửa so với độ dày của một cuốn từ điển. Chưa kể không ít thầy cô "chơi ác", cho giới hạn nội dung ôn tập trải dài từ đầu năm cho tới sát ngày thi, vậy là tụi học trò chỉ còn biết ngồi ôm gối khóc thương than trời.
Thanh Nga (16t, THPT N.T.T) chia sẻ: "Cho tới bây giờ, dù đã lên cấp 3 được gần một năm nhưng mình vẫn không sao làm quen được với khối lượng bài vở nhiều như vậy. Nếu như hồi cấp 2, thi bao nhiêu là thầy cô cho học bấy nhiêu thì lên cấp 3, nội dung ôn tập lúc nào cũng tràng giang đại hải. Có những môn như Sử, Địa... cho đề cương đến sáu mặt giấy A4 với gần 30 câu. Vậy mà cho đến khi thi, đề chỉ yêu cầu làm vỏn vẹn... 3 câu và chưa tới hai mặt giấy. Chưa kể những ngày phải ở lại học thêm Toán - Lí - Hóa, có những hôm thầy cho gần 20 bài hình đủ thể loại lớn nhỏ rồi yêu cầu làm hết mới được về. Vậy mới có chuyện xin gia đình đi học thêm tới 6h30 mà mãi 10h mới bò về tới nhà."
Chuyện thi cử tất nhiên là quan trọng và thầy cô nào cũng đều cho rằng môn mình là nhất, là "số dzách". Vậy là thầy A ép học hết cả xấp đề cương, cô B yêu cầu phải "xử lí" hết đống bài tập nếu không muốn bị mời ra khỏi lớp, còn thầy C cũng bắt trả bài liên miên để chạy đua cho kịp với kì thi. Nếu như có ý kiến hay đề nghị với thầy cô thì chắc chắn câu trả lời sẽ luôn là: "Vậy bây giờ môn này 0 điểm em có lên lớp nổi không?".
Học sinh không còn cách nào khác là phải tự mà bơi trong "biển học" đó. Thức khuya dậy sớm để "gạo" bài, bỏ bữa quên ăn để làm nốt bài tập. Việc học giờ đây mang tính chất đối phó, “cày” bài chứ không hẳn “học” bài.
Tâm lí ganh đua điểm số, cộng với áp lực thi cử nặng nề cùng với khối lượng bài vở đồ sộ khiến không ít bạn trẻ rơi vào trạng thái "stress, stress nữa, stress mãi" vào mỗi mùa thi. Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt? Vậy thì còn nhẹ chán!
Nếu thường xuyên cập nhật thông tin báo mạng thì bạn có thể dễ dàng bắt gặp cụm từ "hysteria" - một từ chuyên m được dùng để chỉ chứng đột ngột ngất xỉu, mà nguyên nhân chủ yếu đến từ những áp lực quá nặng nề.
Theo thống kê sơ bộ trong nước, mỗi năm có ít nhất 40 trường hợp ngất xỉu, đột quỵ bất ngờ do hysteria gây ra, đặc biệt trong đó chiếm tỉ lệ lớn nhất là những học sinh đang đối diện với áp lực năm cuối cấp (lớp 9 và lớp 12). Nghiêm trọng hơn, hysteria có thể xảy ra với số lượng hàng loạt. Như mới đây nhất, hàng trăm nữ sinh của một trường THPT tại Nghệ An đã đồng loạt co giật rồi ngất xỉu trong giờ học trước sự bàng hoàng, lo lắng của nhiều người.
Nhưng nếu như hysteria được gây ra một cách bị động thì với không ít học sinh khác, chỉ vì muốn được nghỉ ngơi, muốn được giải thoát trong ít phút mà đã chọn cho mình một phương pháp còn rùng rợn hơn: uống thuốc ho.
Còn nhớ cùng thời gian này vào năm ngoái, học sinh của các trường THPT tại TP.HCM rộ lên phong trào uống thuốc ho để được nghỉ học. Mà theo lời đồn thì "hai viên là đầu óc quay cuồng, ba viên sẽ ngủ li bì không biết trời đất và khi "chạm nóc" tới năm viên thì sẽ bắt đầu... sùi bọt mép!".
Áp lực thi cử và chuyện bài vở giờ đây đã trở thành nỗi ám ảnh thực sự với tất cả những bạn trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường.<!--nextpage-->
<strong>2. Khi bạn bè không còn là niềm vui</strong>
Sống trong một tập thể, sẽ rất buồn khi bạn không thể hòa nhập được với mọi người. Nhưng nỗi buồn sẽ còn tăng lên gấp bội khi bạn bị chính những người bạn cùng lớp đem ra trêu chọc, dè bỉu một cách không thương tiếc.
N.Phương (THPT P.H.I) chia sẻ: "Đầu năm, lớp mình có một cậu bạn tên Long. Long thuộc giới tính thứ 3 và cậu cũng không hề giấu diếm điều đó. Tuy nhiên vấn đề lại nằm ở bọn con trai cùng lớp. Tụi nó nghĩ ra đủ trò để trêu chọc Long. Nếu Long đi vệ sinh thì sẽ có cả một đám đứng đợi sẵn để đẩy cậu ấy vào phòng vệ sinh nữ rồi hùa vào bỉ bai "Mày có phải con trai đâu mà vào đó? Đây mới là chỗ của mày nè". Học bán trú nhưng thay vì được ngủ trưa trên giường như bao người khác, hầu như lần nào Long cũng bị đẩy xuống đất với lí do "Ai biết được lúc tụi tao ngủ mày làm gì!?". Thậm chí sách vở, quần áo của Long cũng bị xé rách và nhổ nước bọt vào, cứ 2-3 tuần là lại phải thay mới một lần. Mỗi lần như vậy, cậu ấy chỉ cười trừ và bảo "Không sao đâu!". Tuy vậy, ba tháng sau Long vẫn phải xin chuyển trường vì không chịu nổi những trò đùa vô tâm kia."
Những clip bạo hành học đường, những trận đòn dã man giữa những bạn trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường có thể khiến nhiều người cảm thấy tức giận, phẫn nộ và lên án kịch liệt. Nhưng đâu phải ai cũng biết, có những lời chọc ghẹo còn khiến nạn nhân đau hơn rất nhiều so với những trận "lên đòn xuống gối" kia.
Cách đây khoảng nửa năm, một nữ sinh tại Đà Lạt đã tự tìm đến cái chết chỉ vì những lời nhục mạ của những người bạn trong lớp vì mẹ của cô bạn làm nghề “bán ve chai”. Và gần đây nhất, Lê Văn Long - cậu em trai 17 tuổi của Lê Văn Luyện cũng đã buộc phải rời khỏi ghế nhà trường chỉ vì những lời tiếng không hay về người anh trai của mình.
P.Thanh (14t, THCS V.S) chia sẻ: "Ngay từ những ngày bé, vết bớt nhỏ màu nâu trên má của mình dường như đã trở thành tâm điểm để mọi người đùa giỡn. Đi học, thay vì í ới gọi nhau bằng tên, có những cô bạn cùng lớp sẵn sàng đứng giữa sân trường oang oang la "ê Thanh mặt sẹo" rồi cùng nhau chỉ trỏ cười cợt. Ngồi trong lớp thì đứa bạn bên cạnh cũng chọc: "Ê tao ngồi gần mày thì có bị lây cái cục đen đen giống mày không vậy?" - vẫn biết là nó chỉ giỡn nhưng trong lòng vẫn buồn không thể tả."
Có một điều mà ít ai nhận ra, đó là trường học luôn là nơi mà hội chứng bầy đàn được thể hiện rõ ràng nhất. Một đồn mười, mười đồn một trăm. Một người chọc được, bỉ được thì một chục, một trăm người khác cũng có thể làm điều tương tự.
Dù là vô tình hay cố ý, thì những câu nói đó cũng đã trút thêm phần nào áp lực lên vai của những nạn nhân bất đắc dĩ. Và tất nhiên, thức dậy vào mỗi sáng, đến trường và đối diện với những lời nói ác ý thực sự là ác mộng với những nạn nhân này.
<strong>3. Khi thầy cô giáo là những người khó tính</strong>
Thầy cô giáo vẫn thường được ví như những người cha, người mẹ thứ hai của học sinh. Nhưng thực tế cho thấy, không ít "cha, mẹ" lại đang khiến những "đứa con" của mình trở nên sợ hãi hơn bao giờ hết mỗi khi đối mặt. Mà một phần nguyên nhân có lẽ bắt nguồn từ sự nghiêm khắc cực đoan cũng như những phương pháp giáo dục thiếu tinh tế.
Ngọc Quỳnh (THPT T.Đ.T) chia sẻ: "Cô giáo chủ nhiệm của mình cực kì nóng tính, chỉ cần một lỗi nhỏ thôi cũng đủ để cô la cả một tiết học. Đã vậy còn là giáo viên Văn nên những lời cô nói đều cực "thấm" và đau. Giống như khi một bạn nam trong lớp không thuộc bài làm mất thi đua của tuần, cô mắng mỏ không thương tiếc: "Không hiểu em là cái loại gì nữa. Chẳng lẽ trong đầu em chỉ toàn đất để trồng cây gây rừng thôi sao?" mà chẳng hề quan tâm rằng mẹ bạn ấy đang nằm viện và bạn ấy là người duy nhất sống cùng mẹ."
Dường như quan trọng hóa vấn đề cũng là một cách được nhiều thầy cô sử dụng để răn đe học sinh. Mọi lỗi lầm dù nhỏ đi chăng nữa nhưng qua tay không ít thầy cô cũng sẽ đều được soi bằng kính hiển vi và phóng đại lên gấp hàng trăm lần.
Ví dụ như đi trễ thì sẽ được qui ra thành "lo tụ tập đàn đúm nên đi muộn chứ gì", quên mang tập thì sẽ đồng nghĩa với "không tôn trọng, coi thường lời nói giáo viên", còn nếu như cúc áo lỡ bung ra thì sẽ được "phóng đại" lên thành "cố tình khoe hàng trong trường học". Thậm chí có những thầy cô bắt học sinh mời phụ huynh lên làm bản cam kết, đình chỉ cả tuần liền rồi hạ hạnh kiểm chỉ vì tội... không thêu số hiệu lên áo (?!)
Phạt đòn roi tưởng chừng như chỉ còn phù hợp với những em nhỏ mẫu giáo và cấp 1, ấy vậy mà không ít thầy cô vẫn "tin dùng" phương pháp này đối với những học sinh cấp 3. Nguyên nhân để đánh thì cũng vô cùng đa dạng: từ để quên tập, không mang sách giáo khoa cho tới nói chuyện trong lớp, đùa giỡn với bạn.
"Thầy Toán của mình có thói quen... đánh học sinh! Mọi vi phạm đối với thầy, không cần biết lớn nhỏ, chỉ cần đã vi phạm là "nằm xuống bàn lẹ đi em". Thậm chí sau mỗi đợt kiểm tra, thầy đều ngồi tính điểm rõ ràng để còn đánh từng học sinh, thiếu một điểm đồng nghĩa với ăn 3 roi. Còn nếu như không muốn ăn roi thì mỗi khi tới giờ thầy phải sách cặp ra cửa lớp đứng viết bài." - Mĩ Dung (THPT N.CT) chia sẻ.
Nhiều thầy cô cho đến giờ vẫn giữ trong mình quan niệm "Thương cho roi cho vọt", mọi lỗi lầm đều phải "trả giá" thật nặng, không bằng lời nói thì cũng phải bằng đòn roi. Nhưng điều này có thật sự có tác dụng không, khi những câu quát mắng, những trận đòn vô thưởng vô phạt kia chỉ khiến học sinh ngày càng rời xa nhà trường hơn và đi học, thay vì niềm vui lại trở thành nỗi ám ảnh ghê sợ?
Vì sao giới trẻ sợ đến trường?